Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông số lượng lớn đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút người lao động. Song, việc tuyển dụng không hề dễ dàng gì bởi nguồn cung khan hiếm.
Công nhân Công ty TNHH In Kyung Vina trong ca sản xuất.
Do mở rộng sản xuất, Công ty TNHH Giày Alerron Việt Nam – chi nhánh Thọ Xuân cần tuyển thêm 5.000 lao động phổ thông đi làm ngay nên đã liên tục đăng thông báo tuyển dụng. Đối với công nhân sản xuất (may, pha cắt, in xoa…) công ty không yêu cầu kinh nghiệm, nếu chưa có tay nghề sẽ được đào tạo khi làm tại công ty. Về chính sách, ngoài tiền lương, tiền tăng ca, các phụ cấp, người lao động còn được thưởng sản lượng, lương tháng 13 và tất cả các quyền lợi, chế độ theo chính sách ưu đãi của công ty; được đóng BHXH, BHYT theo quy định của Nhà nước, làm việc trong môi trường thân thiện, dân chủ, chuyên nghiệp. Những công nhân đã từng làm việc, bỏ việc sau 4 tháng hoặc có đơn xin nghỉ ở công ty sau 2 tháng có nhu cầu quay lại làm việc công ty vẫn sẽ tiếp nhận…
Tương tự, do mở rộng thị trường sản xuất, Công ty TNHH Giày Venus Việt Nam đã và đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng gần 10.000 lao động độ tuổi từ 18 đến 50 đi làm việc tại các nhà máy, trong đó có 2 nhà máy mới tại cụm công nghiệp làng nghề xã Hà Bình (Hà Trung) và nhà máy ở xã Đồng Tiến (Triệu Sơn). Còn tại Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam hiện giải quyết việc làm cho trên 18.000 người. Vừa qua, do hàng nghìn công nhân, lao động của công ty là F0 dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ. Hơn nữa, việc mở rộng quy mô sản xuất nên cần tuyển dụng số lượng lớn lao động đi làm tại Khu Công nghiệp Hoàng Long và xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân. Nhằm giải bài toán thiếu hụt lao động, công ty đã tăng 0,6% lương cơ bản cho người lao động từ tháng 2-2022; điều chỉnh chế độ, chính sách đãi ngộ tốt hơn nhằm giữ chân lao động có tay nghề và thu hút lao động mới. Đồng thời, động viên các F0 sớm trở lại làm việc sau khi điều trị khỏi bệnh.
Là doanh nghiệp có hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phải cử nhân lực sang Nhật Bản thực tập và làm việc, năm 2022 Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng Hải Phong (Hải Phong JSC) dự kiến tuyển dụng trên 2.000 chỉ tiêu xuất cảnh trên cả nước, trong đó có khoảng 800 lao động Thanh Hóa đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Ông Lê Viết Chính, Trưởng Phòng Kinh doanh khu vực miền Bắc, cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, công ty phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tuyển dụng thông qua các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động, nhằm đem lại những cơ hội việc làm cho người lao động tại các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản cũng như góp phần giải quyết việc làm, tạo tiền đề để người lao động có vốn tích lũy và các kỹ năng, kiến thức trải nghiệm, phong cách làm việc của một quốc gia đang phát triển.
Đầu năm 2002, Công ty CP Tập đoàn Quốc tế ACB – Chi nhánh Thanh Hóa mở thêm 1 nhà máy may tại xã Yên Trung (Yên Định) cộng với nhiều đơn hàng mới nên có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 công nhân. Bà Phạm Thị Hải, Trưởng Phòng Tổ chức nhân sự Công ty CP Tập đoàn quốc tế ACB – Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Để người lao động biết, lựa chọn công ty làm điểm đến và xác định gắn bó lâu dài, công ty đã đưa ra mức lương cùng các chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn; đồng thời thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa và trực tiếp về các địa phương để tuyển dụng lao động, nhưng số lượng tuyển dụng được không nhiều.
Trước nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp khá cao, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, giày da, dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú… đã mở ra các cơ hội việc làm đối với người lao động. Tuy nhiên, người lao động chưa thực sự mặn mà tìm việc, kể cả những lao động gián đoạn công việc vẫn đang trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp ra sức tuyển dụng nhưng cũng không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Điều này cho thấy một nghịch lý là doanh nghiệp vẫn “khát” nguồn nhân lực, còn người lao động vẫn lao đao tìm việc làm.
Theo các chuyên gia, thị trường lao động luôn diễn biến theo hướng cần nhiều lao động có chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp chuẩn mực, đào thải lao động kỹ năng thấp. Vì thế, người lao động cần trau dồi kiến thức, đào tạo bài bản để ứng biến tốt hơn trước biến động của thị trường, giúp bản thân cải thiện nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tập trung đánh giá, dự báo các ngành, nghề mới trong tương lai để có sự chủ động cân bằng nguồn cung – cầu, góp phần ổn định thị trường lao động.
Theo Báo Thanh Hóa.