Bình Thuận hiện có gần 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động với hơn 16.100 phòng. Trong số này chỉ có 79 cơ sở lưu trú được xếp hạng. Với lợi thế chỉ cách TP HCM và Hà Nội hơn 2h di chuyển sau khi cao tốc và sân bay hoàn thành, Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng đang là “miền đất hứa” cho những mô hình lưu trú mới, đón dòng du khách quốc tế và nội địa hứa hẹn bùng nổ trong tương lai.
Thị phần rộng mở cho loại hình mới
Với lợi thế về cảnh quan, giá cả và những bãi biển đẹp, tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) đưa Việt Nam vào top những điểm đến hàng đầu. Trong đó Phan Thiết (Bình Thuận) được xem là địa phương thu hút khách du lịch bậc nhất phía Nam.
Thuận tiện di chuyển thông qua những tuyến cao tốc huyết mạch đang được đầu tư xây dựng, Phan Thiết phù hợp nhu cầu nghỉ dưỡng an toàn trong khoảng cách gần, thuận tiện, có thể di chuyển bằng ôtô cho nhóm nhỏ hoặc gia đình. Địa phương này còn vốn nổi tiếng bởi thế mạnh du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao, sinh thái khám phá đồi cát, bản sắc văn hóa Chăm, du lịch gắn với cộng đồng, làng nghề, du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội…
Đây chính là những ưu thế giúp Phan Thiết liên tục được lựa chọn vào danh sách những điểm đến cho du khách ở cả phân khúc cao cấp lẫn bình dân. Tuy nhiên trong những năm qua, đà phát triển cơ sở lưu trú hạng sang tại Phan Thiết đã khiến cán cân phần nào nghiêng về phía nghỉ dưỡng cao cấp.
Cụ thể, Phan Thiết có hàng trăm cơ sở lưu trú chưa được xếp hạng, phục vụ nhóm du khách bình dân. Sự phát triển tự phát của các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ là một trở ngại lớn đối với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, đặc biệt khi vị thế Việt Nam lên cao, lưu lượng du khách quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó với những cơ sở lưu trú thực sự chất lượng, đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, mức chi phí cao khiến phân khúc này chỉ phù hợp với khách hàng trung lưu, thượng lưu, sẵn sàng đầu tư mạnh tay cho một chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày.