Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế – xã hội”.

Ngày 24/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh […]

Ngày 24/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội”. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan và hơn 40 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, như: Quốc phòng-an ninh, nông, lâm nghiệp và công trình thuỷ lợi, hoạt động xổ số, hoạt động công ích… Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn chủ yếu hoạt động trong các ngành nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng, hoạt động công ích.

Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của DNNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

(Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh thu của khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng. Các công ty cổ phần có góp vốn của Nhà nước là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất so với các hoạt động khác; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 13%…

Tại tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2017-2021 đã hoàn thành sắp xếp chuyển đổi 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp sang mô hình Công ty TNHH hai thành viên và thoái vốn Nhà nước thành công tại 3 doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đang quản lý 7 DNNN, trong đó có 5 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 2 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Năm 2021 tổng doanh thu của các DNNN do UBND tỉnh quản lý đạt 1.018 tỷ đồng (bằng 109% so với kế hoạch), tăng 14% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng (bằng 144% so với kế hoạch), tăng 67% so với năm 2017; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 1,64% (bằng 144% so với kế hoạch), tăng 67% so với năm 2017; thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 86 tỷ đồng (bằng 101% so với kế hoạch), tăng 68% so với năm 2017.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trung tâm. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN và các tồn tại, hạn chế trong doanh nghiệp… Từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: DNNN có vai trò, vị trí quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả chất lượng DNNN; doanh nghiệp cần tích cực chủ động tham gia phát triển đất nước. Đổi mới tư duy về quản lý của nhà nước đối với DNNN; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao, chất lượng hiệu quả năng lực cạnh tranh của DNNN; đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngang tầm với doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư của DNNN, nhất là chia sẻ những khó khăn khách quan ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong môi trường đổi mới và xây dựng hệ sinh thái…

Tin liên quan